2017/02/06

Có những ngày thấy buồn tênh

Có những ngày thấy buồn tênh. Nghe nhạc vui cũng thấy buồn. Nhạc Tết đã tưng bừng mà trong lòng vẫn chưa thấy mùa xuân. Nhìn tờ lịch, giật mình, đâu còn bao nhiêu hôm nữa.
Có những ngày thấy mình buồn tênh. Đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh tuy vẫn thấy hay nhưng không còn cảm nhận được cái vẻ hồn nhiên ở mình nữa. Những cậu bé cô bé trong trang sách và mình dường như có khoảng cách xa lắm.
Có những ngày thấy chênh vênh. Mà cũng lạ, cứ tưởng mọi thứ đã ổn, vậy mà cứ thấy chênh vênh. Chẳng lẽ là tình trạng chung của cái tuổi này?
Có những ngày nhớ tuổi 18. Cái tuổi của sự chuyển tiếp và thay đổi. Cái tuổi chẳng biết buồn, chỉ thi thoảng bâng khuâng.
Có những ngày thấy mình già nua.
Gấu Mèo - 12-1-2017

2016/12/21

MEN XANH ĐỒNG TRỔ BÔNG - DI SẢN ĐỘC ĐÁO CỦA GỐM BIÊN HÒA


LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Men xanh đồng trổ bông (vert de Bienhoa) là loại men đặc biệt đậm dấu ấn và hơi thở của vùng đất Biên Hòa. Men có nền xanh lục hơi lam đặc trưng với những bông màu nâu chuyển sang đen kích cỡ từ 1 - 3 cm. Bề mặt men khi đạt độ hoàn hảo gợi cho người chiêm ngưỡng thứ vẻ đẹp cổ kính của kim loại đồng nhuốm màu thời gian. Men xanh đồng trổ bông là niềm tự hào của gốm Biên Hòa và cũng là đặc trưng của nghệ thuật gốm nơi đây bởi màu sắc độc đáo.


Men xanh đồng trổ bông là loại men khá hẹp nhiệt và khó thành công. Tỉ lệ thành công của sản phẩm thấp hơn hẳn so với các loại men thông thường. Do đó để có được một sản phẩm men xanh đồng trổ bông không phải là chuyện đơn giản.
Có từ những năm 1920, men xanh đồng trổ bông có được do những nghiên cứu của bà M. Balick và cộng sự. Dựa vào nền tảng của gốm Cây Mai (gốc Thạch Loan - Quảng Đông), cùng với kinh nghiệm từ trường gốm Limoges, men xanh đồng trổ bông được nghiên cứu thành công lần đầu tiên tại Trường Mỹ nghệ Biên Hòa (nay là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai).

ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ THẤT TRUYỀN

Do sự phát triển của xã hội, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ có nguy cơ bị thất truyền. Ngày nay kỹ thuật tạo ra men xanh đồng trổ bông có khá ít người biết đến. Bên cạnh đó, do tính chất "khó làm mà dễ lỗi" loại men này là thử thách của khá nhiều thợ làm gốm. Việc bảo tồn và lưu giữ kỹ thuật tạo ra loại men này vẫn còn là một vấn đề trăn trở của không ít nghệ nhân đam mê và tâm huyết với nghề.

(Gấu Mèo)

2016/12/01

Biển còn vỗ không em?

Biển muôn đời vẫn vỗ phải không em?
Như tiếng gọi tình em bao giờ thôi da diết
Em nghe gì trong con sóng biếc
Có nghe từng nỗi nhớ vỗ vào tim


23.12.2015 - Gấu Mèo



Nhớ trường


Trưa, ngồi nghe tiếng bàn phím gõ, tiếng máy bay bay qua ngang đầu từng chặp. Mùi nắng, mùi khói bụi phả ra.

Nhớ quay quắt mùi thư viện, mùi sách cũ, mùi gỗ của cái bàn bị mối gặm một chân.

Nhớ mùi mưa ở ký túc xá, tiếng cãi nhau của tụi bạn, tiếng trái bóng lăn dưới sân. Tiếng ghita ký túc xá.

Nhớ mùi giảng đường D, giảng đường 19, phòng G201 đủ các loại mùi của những gì xưa cũ.

Nhớ mùi hoa sữa trước chung cư cũ, nhớ chò nâu xoay vút trước sân dãy A. Nhớ nụ cười thầy cô và những lời trách móc.

Nhớ tiếng mấy đứa bạn mà chắc giờ khó có dịp gặp lại. Mà có đứa giờ cũng chẳng gặp được.

Nhớ mùi nước mắt nước mũi cay cay những ngày xưa cũ.

Mở mắt. Trời vẫn sáng. Xe ngoài đường vẫn chạy. Trên đầu, máy bay vẫn bay...

9.11.2016 Gấu Mèo


Có những mùa xanh


Có những ngày nào biển rất trong
Và mặt trời kia vẫn đượm nồng những hè thơ mộng
Tóc còn xanh và tình yêu còn rộng
Ôm cả cuộc đời và tuổi trẻ còn chưa chật vòng tay

Có những ngày biển đùa cùng mây
Và hàng dương vui vầy bờ cát trắng
Dẫu dọc mùa xanh còn thăm thẳm nỗi niềm hoang vắng
Vẫn vẹn nụ cười, giữ chặt niềm cay đắng lẫn yêu thương

Lại có ngày biển chỉ một mình thôi
Biển lặng im, trở mình, không một câu hỏi
Nhớ những ngày xanh, mây nhiều giăng lối
Đợi chờ, hi vọng chỉ phai phôi

Em ơi em có nhớ những ngày xanh
Những ngày biển hát cho anh nghe thuở trước
Những ngày xanh, những ngày nhiều mơ ước
Cứ đi hoài tìm về như ngày trước

Đến chưa em?


15.6.2016 - Gấu Mèo


(Soure wikimapia.org)

Những ghét thương




Người ta yêu hay ghét một nơi nào đó, có lẽ bởi nhiều lý do, sinh quán, gia đình, công việc,... Nhưng cuộc sống chẳng bao giờ phẳng, nên đôi lúc những giải thích cũng trở nên thừa. 

Có những người nghiện cái mùi cà phê mỗi sáng trong hẻm, nghiện cái nắng như rót mật chảy tràn sóng sánh của ngày mới, nghiện cái mùi khét nơi góc bếp, tiếng rôm rả ngoài chợ, tiếng rào rào của những cơn mưa trái mùa làm xộc lên mùi đất nồng nặc thoảng trong tiếng lầm bầm của những người dọn vội mấy món hàng đang bán trên lề đường... 

Đôi khi họ cũng ghét nhiều thứ trên trời dưới đất, tiếng cãi nhau của nhà hàng xóm những lúc mệt mỏi, tiếng còi xe (chắc nhiều người ghét cay ghét đắng), ghét cái giọng lanh lảnh thu tiền các thể loại những khi đang ngái ngủ, ghét xe cộ, ghét những lúc thất nghiệp lòng thì thấp thỏm mà tai thì nghe tiếng chủ nhà vang vang sát bên,... 

Nhiều lắm, kể mãi cũng không dứt được.

Đôi khi người ta yêu hay ghét một nơi nào đó (hay vừa yêu vừa ghét) người ta cũng không giải bày được cho tỏ tường bởi những ghét - yêu đan cài trong lòng như dây điện chằng chịt trong khu phố, quen thuộc như đường về nhà đầy lô cốt đang đào lấp và kẹt xe mỗi ngày, thậm chí đều đặn như tiếng gà gáy hay đồng hồ reo mỗi sáng.

Nhưng có một điều, đằng sau cái sự yêu - ghét một nơi nào đó thường thấp thoáng hình bóng của một người mà bạn cũng dành cho họ những ghét - thương!


1.1.2016 - Gấu Mèo


(Soure: damhaphu.wordpress.com)